Kinh nghiệm rút ra sau 15 tháng chạy ads chỉ 1 sản phẩm
Tiêu đề gốc: Điều mình học được sau khi đã chi tiêu 388,349$ (8 tỷ 932 triệu 27 nghìn) trong 15 tháng chỉ với 1 sản phẩm
ĐIỀU 2: THUNG LŨNG CHẾT CỦA MỞ RỘNG QUY MÔ LỚN VÀ ĐIỂM MỞ RỘNG QUY MÔ HOÀN HẢO
Ở bài viết trước, mình đã chia sẻ với bạn cái gọi là Sản Phẩm Bão Hòa gần như là một huyền thoại.
Vậy thì làm thế nào để vượt qua được vấn đề này và cách để một chủ doanh nghiệp, người kinh doanh và marketer có góc nhìn rõ ràng về bài toán mở rộng quy mô?
Đây là một bài viết dài và về cách để bạn có thể mở rộng quy mô.
Hãy đi vào chi tiết ngay.
Đầu tiên, Ngân Sách Marketing:
Hãy đến với cách chúng ta thường lập kế hoạch kinh doanh và phân bổ ngân sách cho Marketing
Có thể chúng ta bắt đầu với mục tiêu doanh thu của công ty, hoặc cũng có thể là bạn sẽ lập ngân sách Marketing dựa trên giá bán của sản phẩm sau đó bạn sẽ lập danh sách toàn bộ chi phí đi kèm, cuối cùng bạn đặt ra ngân sách Marketing bạn mong muốn hoặc có thể chi trả
Ví dụ: Doanh thu hiện tại của công ty là 1 tỷ
Chi phí sản phẩm hoặc dịch vụ: 300 triệu
Chi phí vận hành, nhân sự: 100 triệu
Chi phí mặt bằng, văn phòng, khác: 50 triệu
Chi phí vận chuyển, đóng gói đơn hàng, hoàn thành dịch vụ: 50 triệu
Chi phí quảng cáo, Marketing: 200 triệu
Lợi nhuận hiện tại: 300 triệu
Và ví dụ chúng ta mong muốn đẩy doanh thu lên 2 tỷ để kiếm về 600 triệu
Doanh thu mục tiêu là 2 tỷ
Chi phí sản phẩm hoặc dịch vụ: 600 triệu
Chi phí vận hành, nhân sự: 200 triệu
Chi phí mặt bằng, văn phòng, khác: 50 triệu
Chi phí vận chuyển, đóng gói đơn hàng, hoàn thành dịch vụ: 50 triệu
Chi phí quảng cáo, Marketing: 400 triệu
Lợi nhuận mong muốn: 650 triệu
Mình biết ở đây sẽ có nhiều sai số, mỗi mô hình mỗi khác. Mỗi cách tối ưu chi phí mỗi khác. Thuê văn phòng to đẹp giá sẽ khác, tối ưu chi phí văn phòng sẽ khác. Thuê nhân sự nhiều kinh nghiệm sẽ khác. Thuê nhân sự mới và đào tạo sẽ khác.
Cái mình muốn nói là hãy nhìn vào con số ngân sách Marketing
Bây giờ mình sẽ chia sẻ tại sao những kế hoạch thế này hiếm khi hiệu quả nếu sử dụng kênh bán hàng chính là Quảng cáo trả tiền giống như Facebook, Youtube, Tiktok, Google, Instagram, v.v
Đầu tiên, chi phí Marketing sẽ không bao giờ gấp đôi hoặc tỉ lệ đồng đều với doanh thu
Ví dụ: Nếu bạn đang chạy quảng cáo 10 triệu 1 ngày và mang về 30 triệu doanh thu
Nếu bạn chạy quảng cáo 20 triệu/1 ngày thì doanh thu mang về thông thường nó chỉ là 45 triệu
Bạn kiếm ít hơn khi chạy nhiều hơn
Cái quái gì vậy? Tại sao lại thế?
Đây là lí do:
Hãy quên tất cả các thể loại kỹ thuật quảng cáo đi, dù bạn đang dùng kênh quảng cáo nào để bán hàng
ĐÂY LÀ 3 ĐIỀU VỀ TÂM LÝ HỌC VÀ LÝ THUYẾT THỊ TRƯỜNG BẠN CẦN NẮM:
1. Bạn đang tiếp cận với những khách hàng lạnh lẽo và khó tính hơn
Đây là lý do mà các sản phẩm theo trend, hot trend hiệu quả trong thời gian ngắn. Sau đó biến mất hoặc thứ mà nhiều người gọi là “Sản Phẩm Bão Hòa”
Dù bạn đang kinh doanh ở sản phẩm, dịch vụ, thị trường nào đi chăng nữa
Luôn sẽ có một tệp khách hàng “nóng bỏng” mà bạn chỉ cần đưa ra sản phẩm, dịch vụ oke. Ưu đãi tốt là họ sẽ mua.
Không quan trọng là cách bạn tiếp thị thế nào. Bởi vì họ đã có sẵn nhu cầu rồi, đã muốn nó, đã hứng thú với nó. Hoặc đơn giản là họ là những khách hàng “dễ tính”.
Thích thì mua thôi, nghĩ gì nhiều!
Nhưng khi bạn đang tăng ngân sách quảng cáo và quy mô lên. Bạn sẽ đụng ngay nhóm những khách hàng khó tính hơn, họ lạnh lẽo hơn, nhu cầu của họ với sản phẩm ít hơn, họ mua hàng lý trí hơn rất nhiều.
Lúc này đơn giản là bạn cần nhiều nỗ lực hơn để tạo ra nhu cầu và tiếp thị.
Nó không đơn giản là 1 quảng cáo nữa. Nó giống như là nếu bạn gặp họ ngoài đời trực tiếp để bán hàng cho họ. Bạn chỉ cần nói 3-5 câu để bán hàng cho 1 người đã có nhu cầu sẵn. Bây giờ bạn cần phải nói 10-15 câu, 10-15 phút hoặc nhiều hơn để bán được hàng cho họ.
Họ hỏi ngược, hỏi xuôi, họ quan ngại thứ A, thứ B. Và bạn muốn bán được hàng cho họ, bạn phải xử lý hết sự từ chối đó.
Vậy điều gì xảy ra nếu nó xảy ra trên online?
Thay vì những khách hàng dễ tính chỉ cần xem 1 quảng cáo 2,3 lần và họ ra quyết định mua.
Những khách hàng khó tính hơn sẽ cần xem 5-7 quảng cáo, 10-15 điểm chạm, thời gian ra quyết định từ 2-14-90 ngày mới ra quyết định mua.
Điều đó có nghĩa là gì?
Nó có nghĩa là chúng ta sẽ mất nhiều tiền quảng cáo hơn để tiếp cận và thuyết phục họ!
Vậy chả phải sẽ rất hợp lý nếu chúng ta đang bỏ ra nhiều tiền hơn nhưng kiếm được ít tiền hơn khi tiếp cận nhóm người này sao?
Nếu bạn đang kỳ vọng chi phí Marketing giữ nguyên ở trên quy mô lớn ở trong bản kế hoạch! Nó đơn giản là đã thất bại ngay ở bước lập kế hoạch rồi.
2. CPM của các nền tảng quảng cáo sẽ tiếp tục tăng và tăng và tăng
Thật là khó khăn khi phải nói điều này
Nhưng nếu bạn không biết điều này, bạn sẽ vật lộn với trò chơi quảng cáo online này mãi mãi
Dù bạn có đang làm quảng cáo tốt thế nào, tiếp thị tốt thế nào, Marketing tốt thế nào đi chăng nữa
Bạn sẽ liên tục thấy lợi nhuận của bạn tụt giảm theo từng năm nếu bạn không biết cách để đối phó với điều này
Bạn đang làm tốt hơn, chăm chỉ hơn, thông minh hơn và sẽ tiếp tục nhận được ít hơn!
Đây là lí do tại sao:
HỆ THỐNG ĐẤU GIÁ QUẢNG CÁO!
Giờ mình muốn bạn kiểm tra cách thức các nền tảng quảng cáo hoạt động
Dù bạn đang kinh doanh trên Facebook, Google, Youtube, Instagram, Tiktok, Shopee, Tiki, Amazon, v.v
Tất cả các nền tảng quảng cáo đó đều có chữ đấu giá, bidding, hoặc là đấu thầu gì đó
Nó có nghĩa là gì?
Giờ quay lại kế hoạch phân bổ ngân sách kinh doanh của bạn
Bạn hãy thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn giảm lương cứng của toàn bộ nhân viên công ty đi 20%?
Bạn hãy thử tính toán xem bạn cần phải bán thêm bao nhiêu đơn hàng để giảm được chi phí hàng hóa đi 20%?
Bạn hãy thử tính xem làm thế nào để bạn yêu cầu chủ nhà giảm giá thuê văn phòng đi 20% trong vòng 1 năm?
Bạn hãy thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tăng giá bán sản phẩm và dịch vụ của bạn lên 20% mỗi năm?
Và giờ hãy để ý chi phí Marketing, nó sẽ tự động tăng 20% mỗi năm hoặc nhiều hơn mà bạn không thể làm được gì và không thể tác động tới nó!
Tại sao? Why?
Bởi vì chi phí quảng cáo của bạn phụ thuộc vào việc những nhà quảng cáo đang quyết định và đặt ra giá cùng với nhau.
Đây là một cách vô cùng hợp lý và không thể phản biện để tăng giá
ĐẤU GIÁ = TĂNG GIÁ CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT
Đây là trò chơi của độc quyền, độc quyền và tăng giá.
Chiếm lĩnh thị trường và tăng giá.
Nền tảng có quyền tăng giá nhanh chóng trên quy mô lớn đến một điểm mà ai có khả năng chi tiêu nhiều nhất sẽ có được quyền hiển thị.
Nhưng Tài ơi, mình tưởng là các nền tảng quảng cáo luôn có điểm phù hợp, điểm chất lượng quảng cáo, cho phép quảng cáo của mình rẻ hơn nếu tạo ra chất lượng quảng cáo tốt?
Chắc chắn là chúng ta sẽ được thưởng dựa trên điều đó, sẽ thật là phiến diện nếu mình chỉ nói là hệ thống hoạt động dựa trên giá quảng cáo, và đó cũng không phải là cách nó hoạt động.
Tuy vậy đây là ví dụ mà mình sẽ muốn làm rõ:
Đầu tiên, khi bạn tham gia vào thị trường quảng cáo
Bạn đang không chỉ cạnh tranh với người bán cùng sản phẩm và dịch vụ của bạn
Bạn đang cạnh tranh với những người bán hàng ở lĩnh vực khác nữa
Một khách hàng có nhiều nhu cầu, và có những nhu cầu được trả tiền và tính phí nhiều hơn các lĩnh vực khác
Giả sử bạn đang bán áo phông, có thể bạn đang thắng phiên đấu giá của bạn so với một bên quảng cáo áo phông khác bằng nội dung hay
Tuy vậy bạn đang thua 1 cuộc đấu giá với những người chơi bảo hiểm, sức khỏe với số tiền quảng cáo chi tiêu vượt trội
Tiếp đó người chơi bán áo phông khác đang cố gắng làm nội dung gần hay bằng bạn, sau đó có bên nào đó đang nhảy vào copy bạn
Sau đó bạn sẽ phải chi tiêu nhiều tiền hơn cho một thứ đáng ra là 1 đồng thì thành 1,1 đồng và mọi người vẫn chơi như vậy cho đến khi có ai đó bỏ cuộc ở 1,2 đồng 1,3 đồng và 1,4 đồng
Nữa, bạn đang cạnh tranh với những người làm nội dung sáng tạo khác nữa. Quảng cáo của bạn rất hay, nhưng ngày nay phải cạnh tranh với sự chú ý của khách hàng với những người làm lĩnh vực sáng tạo
Những người không nhiều tiền bằng bạn nhưng đang tạo ra những nội dung rất rất hấp dẫn
Thay vì trước đây cứ 1000 người thì có 100 người xem video quảng cáo của bạn
Ngày nay bởi vì bạn phải cạnh tranh với cả những người sáng tạo khác nên cứ 1000 người thì chỉ có 50 người xem video của bạn
Rất rất nhiều thứ khiến cho quảng cáo của bạn đơn giản là đang hiệu quả trở nên đắt hơn rồi trở nên kém hiệu quả hơn và dẫn đến đắt đỏ đến mức bạn, hoặc ai đó phải bỏ cuộc
Bởi vì kể cả khi bạn không có đủ khả năng chi trả, trên thị trường, có ai đó vẫn đủ tiền để xuất hiện giùm bạn!
Và đó là lí do mà mọi người phải liên tục chạy đi khỏi Google, Youtube, và dần dần là Facebook sau đó liên tục tìm kiếm các nền tảng mới như là Tiktok, rồi tương lai sẽ có nền tảng A,B,C nào đó.
Không phải các nền tảng này không hiệu quả nữa.
Mà đó là nó đã đắt vượt quá khả năng chi tiêu của rất nhiều người.
3. Những khách hàng giá trị nhất, có khả năng tài chính, sẵn sàng chi tiêu nhiều nhất có giá của họ
Đây là nơi mà bạn sẽ thấy tại sao tìm cách để có lead, data, tin nhắn, số điện thoại giá rẻ thường dẫn đến tỉ lệ chuyển đổi thấp hơn!
Đơn giản là nếu khách hàng của bạn đang từ 28 tuổi trở lên
Bạn sẽ nhanh chóng có được nhiều số điện thoại và tương tác quảng cáo hơn nếu bạn để độ tuổi thấp hơn
Hoặc cố gắng làm các thủ thuật giảm giá thầu quảng cáo trông có vẻ hiệu quả như là clickbait, làm các ảnh thu hút nhưng thu hút sai đối tượng,v.v
Nhưng bù lại nhiều số điện thoại hơn, nhiều tin nhắn hơn, nhiều lượt đăng ký hơn và ít doanh thu hơn…
Đây là điều bạn có thể lưu ý và kiểm chứng:
Cố gắng để tiếp cận khách hàng rẻ trên quy mô lớn, đồng nghĩa đi đôi với việc giảm chất lượng khách hàng!
Đừng quên vế sau!
Mình biết có nhiều cách để giảm chi phí quảng cáo hay Marketing, nhưng đồng nghĩa hãy hỏi thêm
Chi phí quảng cáo rẻ đi, nhưng là ở quy mô nào?
Bạn chỉ cần thêm vế quy mô vào câu hỏi của mình và thấy ngay là nó sẽ có vấn đề trên quy mô lớn!
(Tất nhiên, tại thời điểm bài viết này đã có thêm nhiều cách để có thêm khách hàng với chi phí rẻ như là xây kênh Tiktok, Reels, Shorts, v.v – Nhưng đừng quên điều này, Miễn phí, thống trị, độc quyền và tăng giá. Lịch sử sẽ lặp lại) (Có nhiều cách để có thêm khách hàng, toàn bộ series bài viết của mình chỉ đang tập trung nói về sử dụng quảng cáo và cách để làm nó hiệu quả trên quy mô lớn)
Vậy thì sau khi đã biết 3 điều này về Mở Rộng Quy Mô thì chúng ta sẽ áp dụng vào việc đặt ra ngân sách Marketing thế nào?
Đây là cách:
Tăng tiền quảng cáo để tiếp cận khách hàng lạ đồng nghĩa với việc càng tăng càng nhận lại ít trong ngắn hạn
Sự thật là phũ phàng là khi bạn cố gắng tăng gấp đôi ngân sách quảng cáo, hãy tính số tiền mình chi ra để có được 1 đơn hàng hoặc khách hàng có thể tăng gấp rưỡi!
Mỗi ngành mỗi khác, nhưng nó sẽ tăng trên quy mô lớn!
Hãy thử đặt kế hoạch theo kiểu đó và bạn sẽ thấy.
Hiểu đơn giản là ở quy mô 1 tỷ có thể ngân sách quảng cáo của bạn là 300 triệu
Khi gấp đôi ngân sách quảng cáo bạn kỳ vọng nó có thể lên 2 tỷ
Nhưng sự thật là nó chỉ có thể lên 1,5 tỷ…
(Các số liệu chỉ là minh họa, mình không biết rõ ngành của bạn hay sản phẩm và dịch vụ của bạn sẽ có số liệu kiểu thế nào)
Okay, vậy thì Tài ơi. Làm thế nào để xử lý được bài toán này?
Không lẽ cứ tăng ngân sách là kiếm được ít tiền hơn, tại sao nhiều người vẫn có thể chạy ngân sách rất lớn?
Chúng ta đến với điều thứ 2 của Điểm Mở Rộng Quy Mô Hoàn Hảo
Thứ 2: Giá trị trung bình trên 1 khách hàng + khoảng thời gian
Thông thường, khi lập kế hoạch Marketing. Chúng ta đang lập theo dạng lấy tiền đổi tiền.
Chi ra và lấy lại.
Hay đơn giản là kế hoạch để kiếm tiền ngay và lợi nhuận ngay.
Và với việc chạy trên quy mô lớn, điều này đơn giản là khó hiệu quả trong thời gian dài (Chúng ta phải liên tục tìm kiếm những thứ mới, lạ, có nhu cầu nóng bỏng)
Nếu chúng ta kỳ vọng bỏ vào 10 triệu lấy về 30 triệu.
Chúng ta cảm thấy ổn.
20 triệu lấy về 45 triệu, chúng ta cảm thấy ổn
Nhưng 40 triệu lấy về 60 triệu thì sao? Có nghĩa là ở đây chúng ta bắt đầu lỗ!
Vậy cách lập kế hoạch và tư duy theo đơn hàng, hay tiền đổi tiền đơn giản là khó hiệu quả.
Chúng ta cần chuyển qua việc là bỏ 10 triệu lấy về 30 triệu thành, 10 triệu tôi lấy về 30 triệu và có thêm bao nhiêu khách hàng!
Nó dẫn đến cách suy nghĩ hoàn toàn khác!
Đó là làm thế nào để có lời ngay từ đơn hàng đầu tiên thành làm thế nào để tôi có thể kiếm nhiều tiền nhất từ khách hàng này
Đó là nó!
Vậy thì cách chúng ta áp dụng thế nào?
Điều đầu tiên: Mình không bao giờ biết và cũng hiếm khi tính giá trị trọn đời khách hàng (Lifetime Customer Value)
Chúng ta chỉ cần tính đơn giản hơn như sau, đó là từ giá trị 1 đơn hàng là bao nhiêu?
Ví dụ 200.000đ 1 đơn hàng, chuyển thành trung bình cứ 100 khách hàng thì mỗi khách hàng sẽ chi tiêu bao nhiêu trong vòng 7 ngày, 30 ngày, 90 ngày!
Và đó là nó!
Ví dụ 200.000đ có thể là giá trị trung bình cho 1 đơn hàng đầu tiên
Nhưng khi bạn kiểm tra số liệu thì bạn có thể thấy là cứ 100 khách hàng trong vòng 7 ngày đầu thì trung bình mỗi người chi 250.000đ
Trung bình trong vòng 30 ngày thì mỗi người chi 350.000đ
Trung bình trong vòng 90 ngày thì mỗi người chi 500.000đ
Mình không biết rõ con số của bạn là bao nhiêu!
Nhưng cách suy nghĩ này sẽ dẫn đến lượng tiền bạn chi cho Marketing khác hẳn
Trước đây bạn chỉ có thể chi 50.000đ cho 1 đơn hàng
Ngày hôm nay, bạn có thể chi 150.000đ nhưng vẫn lời và lời rất lớn!
Bạn biết tiền sẽ về trong tương lai!
Và nói như thế này thì có vẻ bánh vẽ quá, nhưng đây là cách để chúng ta fix vấn đề này!
Không có không gian để nói về điều này quá nhiều, nhưng đây là cách mà mình làm
1. Chuyển từ việc bán hàng dựa trên sản phẩm thành bán hàng dựa trên thương hiệu
Cách 1: Gán nhãn thương hiệu của bạn lên
Bây giờ bạn có thể thấy rất nhiều Local Brand làm cách này, nó đơn giản là đang có quyền sở hữu mối quan hệ với khách hàng nhiều hơn
Cách 2: Bán hàng bằng thương hiệu, tên của bạn
Bây giờ bạn có mối quan hệ với khách hàng, trước đây khách hàng mua hàng bởi vì sản phẩm. Bây giờ chuyển thành khách hàng mua hàng vì sản phẩm và VÌ BẠN!
2. Chuyển từ mô hình kinh doanh 1 sản phẩm thành kinh doanh chuỗi sản phẩm
Cách 1: Hãy học upsell, bán thêm, bán chéo
Khách hàng mua đơn hàng đầu tiên là đắt đỏ, hãy tìm ra cách để bán thêm sản phẩm thứ 2, thứ 3, thứ 4
Cách 2: Trả lời câu hỏi rất chung chung này: Làm thế nào để khách hàng quay lại mua sản phẩm trong 7,30,90 ngày tới?
Câu hỏi này dẫn bạn đi theo điều sau
Thứ nhất: Bạn không thể bán sản phẩm đểu, kém chất lượng. Vì đơn giản là nó sẽ không hiệu quả
Thứ hai: Bạn sẽ cải thiện dịch vụ khách hàng và trải nghiệm khách hàng để khách hàng quay lại
Thứ ba: Bạn sẽ tìm ra điều gì đó mà đối thủ của bạn không làm và kiếm tiền dựa trên đó
Mình không biết cụ thể nó là gì trong lĩnh vực của bạn, nhưng câu hỏi chung chung này là vô cùng thần kỳ. Thử trả lời nó và bạn sẽ tìm ra điều gì đó.
Có nhiều cách để tăng giá trị trên 1 khách hàng và mình thấy đó là 2 cách dễ làm nhất. Hãy thử nhé.
Oke, đến với điều thứ 3.
Thứ 3: Khả năng giao sản phẩm và cung cấp dịch vụ
Hãy tính toán điều này trước khi bạn làm bất cứ điều gì để mở rộng quy mô
Nếu bây giờ có nhiều khách hàng hơn, có nhiều đơn hàng hơn thì mình có đủ hàng để giao không?
Nếu bây giờ có nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ hơn thì mình có kịp tuyển dụng nhân sự, đào tạo nhân sự, đảm bảo chất lượng dịch vụ cho lượng lớn khách hàng có thêm không?
Nếu bạn không giải được 2 câu hỏi này thì hãy chậm lại, không có gì tồi tệ hơn là bán được hàng mà không có hàng để gửi đâu…
Cuối cùng, chúng ta đến với điều thứ 4
Thứ 4: Dòng tiền, dòng vốn
Mở rộng quy mô kéo theo sức nặng về dòng tiền
Ngay cả khi bạn đã giải được bài toán về Marketing, Bán Hàng thì đây tiếp tục là thứ bạn cần giải quyết
Nó sẽ xảy ra
Bạn đang chi nhiều tiền quảng cáo hơn
Bạn đang nhập nhiều hàng hơn
Bạn đang tuyển dụng nhiều nhân sự hơn
Bạn gấp đôi lượng tiền mà bạn đang sử dụng hàng ngày lên
Hãy hỏi tôi cần bao nhiêu tiền để chi trả quảng cáo, nhân sự, nhập hàng, dự trù rủi ro quảng cáo chết, v.v
Có một vài cách mà bạn có thể áp dụng để cải thiện dòng tiền, dòng vốn
1. Đàm phán với nhà cung cấp để công nợ
Khi bạn nhập hàng trên quy mô lớn và trong thời gian dài. Bạn có mối quan hệ với nhà cung ứng, sỉ, bên sản xuất. Hãy đàm phán công nợ và làm chậm thời gian cần phải trả tiền hàng hóa.
Đó là một cách
2. Xây dựng tín dụng quảng cáo
Cái này thì tùy vào các bên quảng cáo mà bạn đang làm. Hãy xin tín dụng của bên quảng cáo.
3. Xây dựng tín dụng cá nhân, ngân hàng
Tìm cách để hợp thức hóa thu nhập
Sử dụng các giao dịch, dòng tiền, chứng từ mà bạn có được trong quá trình mở rộng quy mô. Hãy hỏi thêm về các bên ngân hàng để mở rộng các dòng tiền từ tín dụng. Đó là 1 cách để bạn có thêm khả năng chi tiêu.
Và tất cả điều này giống như là một Checklist để các bạn suy nghĩ về thứ mà mình gọi là “Điểm Mở Rộng Quy Mô”
Mình không thể đi vào chi tiết cụ thể mô hình kinh doanh hay cách các bạn kinh doanh nhưng tựu chung lại nó có thể hoạt động ở tất cả mọi ngành nghề
Hãy dùng nó như là một checklist trong quá trình bạn suy nghĩ để mở rộng quy mô nhé
Và bây giờ để kết bài này, mình muốn chia sẻ tới bạn một chiến lược nâng cao Bonus
Chiến lược nâng cao bonus: Mở rộng quy mô tức là ngừng mở rộng quy mô đúng lúc
Mình đã thử và mở rộng quy mô rất nhiều, rất nhiều lần trong đó là fail
Và bây giờ mình đã hiểu vì sao, một trong những thứ khiến mình fail đó là giá trị khách hàng quá thấp
Khả năng chi tiêu cho Marketing quá yếu
Không có mối quan hệ với khách hàng
Hay là không nhìn được việc ngân sách Marketing sẽ tăng theo quy mô
Và tất cả những thứ đó cần thời gian, nỗ lực, tiền bạc và kỹ năng để có thể triển khai
Dù mình đã chia sẻ và bạn có thể thấy trước nhiều điều mà bạn không biết
Nhưng ngay cả khi bạn đã thấy nó, nó cần một tấn kỹ năng để làm tất cả điều này cùng lúc
Do đó nó dẫn đến: Bắt đầu một doanh nghiệp đã khó, mở rộng quy mô còn khó hơn rất nhiều
Nếu bạn nhìn ra rằng bạn không thể mở rộng quy mô với doanh nghiệp hiện tại của mình
Một chiến lược mà mình đề xuất là hãy ngừng mở rộng quy mô
Giữ nó thật nhỏ, giữ nó thật gọn và kiếm ra nhiều lợi nhuận nhất có thể
Đầu tư vào bản thân, xây dựng các đòn bẩy, đội nhóm và hãy nhảy vào bài toán mở rộng quy mô ngay khi bạn biết bạn có thể
Đó là lí do mà mình gọi đó là chiến lược nâng cao, biết mình không nên tham gia cuộc chơi đó từ đầu là một dạng kỹ năng khó học
Vì nó yêu cầu không chỉ là kỹ năng có thể thấy được tương lai mà là còn tinh thần nữa. Chúng ta cần một tinh thần mạnh mẽ để đi chậm hơn và biết rằng mình đang đi nhanh hơn. (Đó chỉ là quan điểm của mình thôi nha, hahaha)
Tái bút: Cuối cùng lại, bài viết này có thể có nhiều lỗ hổng và chưa toàn diện. Mình đọc mọi comment để có thể tự học và bổ sung thêm góc nhìn từ các bạn.
Nếu có thể, hãy comment hoặc nhắn tin cho mình về góc nhìn bổ sung của bạn và chúng ta có thể trò chuyện nha.
Tái bút 2: Bài viết tiếp theo mình sẽ chia sẻ với bạn “Cách Để Sử Dụng Các Kênh Quảng Cáo Đắt Đỏ Nhất Để Tạo Ra Lợi Thế Cạnh Tranh Khiến Đối Thủ Của Bạn Mệt Mỏi, Bất Lực Và Bỏ Cuộc
- Xem lại phần I: https://minhclear.net/kinh-nghiem-chay-qc-facebook-sau-10-thang-chi-1-san-pham/
- Phần II: https://minhclear.net/kinh-nghiem-rut-ra-sau-15-thang-chay-ads-chi-1-san-pham/
- Xem tiếp phần III: https://minhclear.net/kinh-nghiem-chay-quang-cao-sau-19-thang-chi-voi-1-san-pham/
- Tác giả: Phùng Tấn Tài (https://www.facebook.com/tantaiphungvn)
- Nguồn bài viết: https://www.facebook.com/groups/907113823560595