Kinh nghiệm xem bệnh trẻ em (Lúc nào an toàn hay nguy hiểm)
Kinh nghiệm xem bệnh trẻ em (Lúc nào an toàn hay nguy hiểm)
(hay chuyện có vẻ bệnh mà không bệnh ở bọn trẻ mới sinh)
Một ngày xấu trời nọ, đang không có gì ăn thì nhận được cuộc gọi của một anh bác sĩ Nhi mời đi uống bia.
Vô sự tại sao nó mời mình đi uống bia. Mà thôi kệ, đang thèm ăn ngon mà lại hết tiền, cứ đi.
Ra đến nơi, ngồi vào ăn nó mới nói “ Nhờ bác bày thuốc cho, em mới được người ta mời nhiều bia, giờ em mời lại bác”.
Một lúc mới nhớ ra, hóa ra là bài thuốc của trẻ sơ sinh mình quấy khóc mình vui mồm bày cho nó từ cái đời nào, chắc trong lúc trà dư tửu hậu, chả còn nhớ là nói lúc nào, thế mà nó nhớ để chế thuốc chữa cho trẻ con thật.
Nội dung của vấn đề nó như thế này :
Trong các phương pháp chẩn bệnh của Đông y có 4 cách là Vọng – Văn – Vấn – Thiết ( Nhìn, Nghe, Hỏi, Bắt mạch), Tây y thì có tương tự là Nhìn – Sờ – Gõ – Nghe.
Cơ mà đó là với người bình thường, giác quan bình thường, còn với bọn trẻ con bé, lúc bé tẹo thì chúng nó có nói được đâu, mà nghe con quấy khóc, thường người cha người mẹ, nhất là đẻ đứa đầu, cứ lộn hết cả ruột lên.
Hoặc có những người chủ quan, tự trị bệnh ở nhà theo ý mình, đến lúc nguy kịch rồi mới xử lý thì hối không kịp.
Vậy thì xem bệnh cho trẻ con thì thế nào nếu không biết bắt mạch, không có dụng cụ khám bệnh.
Thật ra Đông y đã biết cái này từ lâu, và người ta có một cách dễ dàng phán đoán tình hình, đó là cách xem Chỉ Văn ( đường chỉ trên ngón tay trẻ con).
Bên mặt trong, cạnh ngón tay trỏ giáp ngón cái bọn trẻ con ( xem ảnh) khi ốm đau sẽ xuất hiện một đường chỉ đen nhỏ, cái này có thể gọi là tĩnh mạch cũng được. Đường chỉ đen này bình thường sẽ ẩn dưới da, không nhìn thấy, chỉ xuất hiện khi có đau ốm, khi muốn xem chỉ cần vuốt nhẹ là thấy.
Đường chỉ đen này chia ra làm 3 đoạn tương đương các đốt ngón tay là : Phong quan, Khí quan, Mệnh quan.
Vuốt đường chỉ, khi thấy nó đen lần lượt thì chia làm các tình trạng bệnh.
Nếu chỉ đen chỉ ở Phong quan tức là chỉ bị bệnh nhẹ, nếu chỉ đen đã đến Khí quan thì bệnh bắt đầu trở nặng, và khi đường chỉ đen lên đến Mệnh quan thì phải đưa đi cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.
Đó là cách xem bệnh Nhất Chỉ Tam Quan của Đông y chuyên xem bệnh cho trẻ quá nhỏ. Rất dễ hiểu và rất dễ làm.
Quay lại vụ anh bác sĩ Nhi mời bia kia, đó là câu chuyện của những đứa trẻ sơ sinh quấy khóc không rõ nguyên do.
Bọn trẻ này khám tới khám lui không có bệnh gì hết. Không sốt, không viêm, không nhiễm trùng, chúng nó dường như là…thích thì quấy khóc thôi.
Tây y không công nhận những lý giải của Đông y về cái này, cho nên anh bạn bác sĩ Nhi vốn được đào tạo Tây y phải dùng đến thuốc của mình cho trường hợp này là thế.
Đông y giải thích rằng với trẻ sơ sinh, cứ 32 ngày sẽ xuất hiện 1 lần gọi là Chưng, và 64 ngày gọi là 1 lần Biến. Thời gian Biến – Chưng đó bọn trẻ con sẽ xuất hiện những thay đổi sinh học trong cơ thể làm chúng khó chịu, phản ứng, quấy khóc.
Lần Biến thì mạnh hơn lần Chưng.
Mỗi lần Biến – Chưng, trẻ con sẽ thay đổi, lớn lên trông thấy và phát triển các kỹ năng, giác quan tốt lên.
Sau 8 lần biến, 16 lần chưng, tức là vào khoảng 512 ngày sau khi sinh, đứa trẻ sẽ đứng dậy đi lại và cất tiếng nói được. Lúc này chúng trở thành một con người hoàn chỉnh về thể chất và giác quan.
Tức là vào khoảng 1 năm rưỡi, đứa nào chậm cũng du di thêm 1 ít thời gian thôi.
Những lúc này vốn bọn trẻ con không có bệnh gì cả, chỉ là lúc cơ thể chúng nó khó chịu thì sẽ sinh quấy khóc mà thôi. Kể cả không chữa trị gì thì sau vài hôm quấy khóc, nó sẽ hết không quấy nữa.
Tây y không công nhận điều này nên không đưa ra thuốc gì hết. Còn Đông y thì có dùng 1 số thuốc, chủ yếu là dùng liều nhỏ mang tính bình Can ( yên ổn về gan), an thần ( giúp ngủ ngon), lợi Tỳ ( giúp yên ổn hệ tiêu hóa)…để giúp trẻ con bình an hơn vượt qua thời gian đó.
Một số vị hay dùng như Thăng ma, Phục linh, Bạch truật, Cam thảo…vân vân và vân vận.
Và anh bác sĩ Nhi kia mang bài thuốc về tán thành bột cho trẻ con uống chữa được khá nhiều ca.
Do vậy nên mới có bữa nhậu ngày hôm đó đấy.
Thôi thì cái gì (lỡ mồm) tạo phúc cho người đời cũng tốt.
Đằng nào cái này mình cũng lười làm vì nó lắt nhắt ( mình không khoái trị bệnh cho bọn trẻ con, nhất là trẻ sơ sinh lắm, ngồi giải thích với bố mẹ nó cũng hết hơi), anh bạn kia kiếm được thì thi thoảng mình lại có bữa nhậu.
Hi vọng các bậc bố mẹ học hỏi được gì đó ở bài viết này, tránh những bi kịch không đáng có khi chăm sóc sức khỏe cho con cái mình.
Nếu thấy bài này bổ ích, vui lòng cho bần lang xin năm chục mua cơm =))
Nguồn: Tô Ấn Trà
https://www.facebook.com/thaylangvuon.actemit/posts/3661576507226762