Facebook kiếm tiền như thế nào?
Bằng cách dán tiêu đề bài viết lên công cụ tìm kiếm (Google, Coccoc, Bing) bạn sẽ nhận được rất nhiều kết quả nói chi tiết về vấn đề này nên mình sẽ không nói thêm nữa mà chỉ lặp lại một bài viết mình thấy khá đầy đủ từ báo Thanhnien để bạn có thể hiểu cách Facebook kiếm được tiền, để khiến chủ nhân của nó tới thời điểm hiện tại đã là người giàu thứ 5 trên Thế giới.
Nhiều người chỉ biết mang máng rằng Facebook sống nhờ quảng cáo, nhưng ít ai biết cụ thể là mạng xã hội này kiếm tiền như thế nào. Hồi tháng 4.2018, Thượng viện Mỹ đã triệu tập CEO Mark Zuckerberg ra điều trần về việc đối tác của Facebook là Cambridge Analytica đã thu thập thông tin trái phép của 87 triệu người dùng mạng xã hội này. Qua truy vấn Zuckerberg, các vị dân biểu cao tuổi đã cho thấy họ cũng chẳng biết gì về cách kiếm tiền của Facebook.
Chẳng hạn Thượng nghị sĩ Orrin Hatch đã hỏi:
– Làm sao ông có thể duy trì mô hình hoạt động của Facebook trong khi không thu phí từ người dùng?
Zuckerberg đáp:
– Thưa, chúng tôi bán quảng cáo!
Với sức phổ biến cực kỳ rộng khắp, Facebook có lợi thế cực lớn là thu thập được một lượng dữ liệu khổng lồ của người dùng toàn thế giới. Và lượng dữ liệu đó sẽ được Facebook khai thác để bán quảng cáo thu tiền. (Xin tham khảo bài Facebook theo dõi người dùng như thế nào? đã đăng tại đường dẫn này: https://thanhnien.vn/cong-nghe/facebook-theo-doi-nguoi-dung-nhu-the-nao-1160309.html).
Facebook sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo AI để sàng lọc, phân tích về người dùng: họ thích xem phim gì, đọc báo nào, xem tivi kênh nào, mua sắm những gì, khuynh hướng chính trị ra sao?… Qua đó, Facebook sẽ cung cấp những thông tin về “phân khúc người dùng” – chứ không phải cung cấp thông tin cá nhân của họ – cho các doanh nghiệp, báo chí, đài truyền hình để đặt mua chỗ đăng quảng cáo trên Facebook, Instagram, Messenger, WhatsApp (đều là các ứng dụng thuộc sở hữu của mạng xã hội này). Các quảng cáo này thuộc dạng tinh chỉnh, hướng đến đúng đối tượng người dùng, không dàn trải như trên báo giấy, radio, tivi rất lãng phí mà hiệu quả thì không cao.
Thêm vào đó, Facebook còn dành chỗ lập trang kinh doanh (business page) cho bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào muốn kinh doanh hay quảng bá về mình. Facebook cung cấp luôn công cụ Ad Manager để doanh nghiệp tự lập trang rất tiện lợi, tất cả đều miễn phí. Đổi lại, doanh nghiệp phải chấp nhận để Facebook đăng quảng cáo trên trang nhà của mình, và nếu muốn Facebook đăng quảng cáo về trang của mình đến những người dùng khác thì phải trả tiền.
Theo phân tích của trang công nghệ SproutSocial, một doanh nghiệp đăng quảng cáo sẽ phải thanh toán cho Facebook 1,72 USD cho mỗi cái nhấp chuột của người dùng mở xem cái quảng cáo đó. Năm 2018 đã có đến 65 triệu trang kinh doanh của các doanh nghiệp đặt trên Facebook và năm 2019 thì có đến 90 triệu doanh nghiệp quy mô nhỏ trên khắp thế giới sử dụng Facebook và cả Messenger để phục vụ việc kinh doanh.
Có thể nói, dù mang loại hình mạng xã hội, thực chất Facebook chính là một doanh nghiệp quảng cáo khổng lồ không có đối thủ. Theo trang công nghệ Fossbytes, quảng cáo chiếm 98% tổng doanh thu của Facebook và doanh thu về quảng cáo năm 2019 của họ là 69,4 tỉ USD, tăng 14,4 tỉ USD so với năm 2018 (55 tỉ USD và lãi ròng là 22 tỉ USD) và sẽ tăng lên 84,5 tỉ vào năm 2020 này. Một con số cực ‘khủng’ đối với một doanh nghiệp công nghệ có 43.000 nhân viên làm việc toàn thời gian (số liệu 2019). Để hình dung, theo số liệu của trang tin Nga Sputnik, năm 2019 GDP của Việt Nam ước tính khoảng 260 tỉ USD (trên dân số 97 triệu người).
Thu nhập của Facebook đến từ các nguồn sau:
Bố cục bài viết
1. Quảng cáo định hướng
Loại hình quảng cáo này là nguồn thu nhập lớn thứ hai của Facebook, tất cả là nhờ vào khả năng thu thập và xử lý dữ liệu người dùng của mạng xã hội này.
Facebook thu thập được dữ liệu khổng lồ từ người dùng như: độ tuổi, giới tính, sở thích cá nhân, nghề nghiệp, khuynh hướng chính trị, thói quen mua sắm, thậm chí biết cả đội bóng mà họ yêu thích. Nhờ vậy, Facebook sẽ bán chỗ đặt quảng cáo cho các doanh nghiệp, tổ chức muốn nhắm đến một tầng lớp đối tượng nhất định nào đó sẽ chú ý đến các quảng cáo này. Bằng vào công cụ Dynamic Ads do Facebook cung cấp, một doanh nghiệp có thể cùng lúc gửi nhiều quảng cáo về loại sản phẩm phù hợp nhất với điều kiện kinh tế (mức thu nhập) và sở thích của từng tầng lớp người dùng, nhờ vậy tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.
2. Quảng cáo trên phiên bản Facebook chạy trên smartphone
Smartphone hiện nay là thứ không thể thiếu trong cuộc sống con người. Phiên bản Facebook Mobile chạy trên smartphone ra mắt năm 2007 và được công chúng nồng nhiệt chào đón. Năm 2018, hàng ngày có đến 1,74 tỉ người dùng Facebook Mobile trên smartphone của họ. Và, dĩ nhiên Facebook không bỏ lỡ cơ hội để khai thác. Năm 2019, có đến 93% thu nhập của Facebook là từ quảng cáo trên phiên bản Mobile và đây là nguồn thu chủ lực của mạng xã hội này.
3. Tự quảng cáo của người dùng
Loại hình quảng cáo này rất phổ biến trên Facebook, cho phép người dùng cá nhân, các nhóm, tạo nên các mẩu quảng cáo và sẽ xuất hiện ở phía phải màn hình (sidebar) trên trang nhà của họ cũng như các trang của bên thứ ba. Công cụ Ad Manager của Facebook sẽ giúp người tạo nên nội dung quảng cáo theo ý muốn và định hướng đối tượng nào sẽ là mục tiêu của quảng cáo đó. Người dùng tự quảng cáo sẽ phải trả tiền khi có người dùng nhấp chuột xem quảng cáo của họ.
4. Quảng cáo trên ứng dụng Facebook Messenger
Ứng dụng Messenger của Facebook giúp cho người dùng có thể trao đổi tin nhắn, đàm thoại trực tiếp đến từng cá nhân có dùng mạng xã hội này. Trước đây, Facebook không đăng quảng cáo trên Messenger, nhưng nay thì khác khi có hàng tỉ người dùng ứng dụng này. Ngày nay, các mẩu quảng cáo của các doanh nghiệp đã bắt đầu xuất hiện trên Messenger dù với tần suất ít hơn so với trên Facebook.
5. Quảng cáo trên video Facebook Live
Chức năng Facebook Live được người dùng rất ưa chuộng, nhờ nó mà bạn bè, người thân dù ở cách xa hàng ngàn cây số có thể giao tiếp trực tuyến, nhìn thấy nhau qua video. Số lượng người sử dụng Facebook Live ngày càng tăng, và với sự nhạy bén vốn có, Facebook lập tức đăng các quảng cáo trên video để tăng nguồn thu.
Theo trang công nghệ Newsfeed, nhờ khai thác dữ liệu người dùng để phục vụ cho quảng cáo, Facebook đã kiếm được 84 USD trên mỗi đầu người dùng ở Bắc Mỹ (247 triệu người dùng hàng tháng năm 2019) và 27 USD mỗi đầu người dùng ở các nước châu Âu (307 triệu người).
Trên danh nghĩa thì Facebook là hoàn toàn miễn phí, nhưng thật ra khi xài Facebook, người dùng đã góp phần tạo nên doanh thu cho mạng xã hội này. Bởi lẽ, muốn đăng ký một tài khoản trên Facebook, người dùng phải chấp nhận để Facebook sử dụng thông tin cá nhân của họ ở phần “Điều khoản sử dụng” (Terms of Service) mà ít người chú ý đọc kỹ. Như vậy, dùng miễn phí thật ra cũng phải trả một cái giá nhất định, đúng như câu châm ngôn “There’s no free lunch” (Không có gì là miễn phí).
Ok, giờ thì bạn đã biết Facebook kiếm tiền như thế nào, và chắc nhiều ai đó trong số các bạn cũng đã biết làm cách nào để kiếm tiền từ Facebook rồi đúng không? Chúc bạn thành công bừang 1% của Mark nhé.